Các chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ ngày càng thắng thế tại Việt Nam khi tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng lên đến trên 63%.
Hiện tại, thanh toán không tiền mặt (TTKTM) mới chỉ đạt trên dưới 5% (bao gồm cả kênh thương mại điện tử), riêng mô hình bán lẻ có thông qua cửa hàng thì tỉ lệ TTKTM hiện chỉ xấp xỉ 3%.
Đa dạng hình thức thanh toán
Người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ tại các thành thị lớn, bắt đầu sử dụng các loại hình TTKTM nhiều hơn. Trong đó, thanh toán thông qua ví điện tử được sử dụng khá phổ biến, song song với hình thức quẹt thẻ, quét mã QR...
Theo Ngân hàng Nhà nước, khi sử dụng TTKTM thì cả người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) đều được hưởng nhiều lợi ích. Cụ thể, người tiêu dùng thì được khuyến mãi khi thanh toán, không phải mang theo tiền mặt; DN thì giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm bớt chi phí bảo quản tiền mặt...
TP HCM đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, những chuyển động của TP sẽ đóng góp lớn cho kinh tế cả nước. Từ năm 2019 đến nay, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các cơ quan Nhà nước gương mẫu đi đầu trong thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó là rà soát lại các giải pháp công nghệ cho đồng bộ với ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại để việc kết nối được liên thông, tránh lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, từ sau Tết nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền TP thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và kêu gọi người dân hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng, thay vào đó tăng mua hàng online và TTKTM. Các DN cũng được chỉ đạo đẩy mạnh kênh bán hàng không trực tiếp, sử dụng các hình thức thanh toán điện tử để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người và người. Đến nay, dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi, người dân trở lại sinh hoạt bình thường nhưng thói quen mua sắm không tiền mặt vẫn đang được duy trì trong đại bộ phận người tiêu dùng trẻ. Theo các DN bán lẻ, đây là xu hướng phát triển tất yếu nên nhà bán lẻ sẽ triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy nhanh việc TTKTM, giảm việc sử dụng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ đã đưa ra.
Ngày càng nhiều khách hàng trẻ chọn thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại các siêu thị Ảnh: Quang Định
Nhiều ưu đãi cho thanh toán không trực tiếp
Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị này đã đặt mục tiêu trong vòng 4-5 năm tới tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers... đạt 30%. 3 năm trở lại đây, Saigon Co.op đã đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc mua sắm không tiền mặt cho người tiêu dùng tại hơn 800 điểm bán là siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers như khuyến mãi, tặng quà cho người dùng khi mua hàng trả qua thẻ, quét mã QR hoặc dùng ví điện tử. Tuy nhiên, những nỗ lực của DN chỉ mang lại hiệu quả khi mà Nhà nước và cơ quan chức năng có giải pháp mạnh mẽ hơn chấp nhận những rủi ro để có thể thúc đẩy TTKTM. Trong đó, cần có giải pháp quy hoạch tổng thể hệ thống chấp nhận POS, hệ thống chấp nhận thanh toán cũng như quy hoạch lại các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Cũng theo ông Huy, bên cạnh việc đầu tư nền tảng thanh toán trực tuyến, trang bị các máy cà thẻ (máy POS) tại hệ thống điểm bán, từ cuối năm 2019, Saigon Co.op ký kết hợp tác chiến lược với MoMo đẩy mạnh số hóa trên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... và trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ số trên diện rộng. Hai bên cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hàng loạt các dịch vụ, ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ nhằm mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm hiện đại hết sức tiện lợi và an toàn phù hợp với xu hướng. Đồng thời cũng sẽ phối hợp xây dựng các chương trình hoạt động vì cộng đồng (CSR), hướng tới sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là đối tượng nông dân, người cao tuổi và trẻ em.
Ngay trong tháng 6 này, hưởng ứng chương trình "Ngày không tiền mặt", Saigon Co.op tiếp tục phối hợp cùng các ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian và ví điện tử đưa ra nhiều chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước. "Chương trình năm nay sẽ có những hoạt động nổi bật trên toàn hệ thống như hoàn tiền đến 20% cho khách hàng thanh toán bằng thẻ Sacombank, tặng quà cho khách hàng thanh toán bằng thẻ Visa, mua hàng ưu đãi trên ứng dụng di động App Saigon Co.op và nhiều hoạt động khuyến mãi giảm giá" - ông Huy giới thiệu.
Đưa nông sản Việt lên sàn điện tử
Điểm mới của chương trình "Ngày không tiền mặt" năm nay là lần đầu tiên Saigon Co.op phối hợp cùng một số đối tác thực hiện chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" trên nền tảng công nghệ hiện đại của ví điện tử MoMo nhằm thiết thực đồng hành và hỗ trợ đầu ra cho nông sản sau dịch.
Với chương trình này, khách hàng tại khu vực TP HCM có thể dễ dàng đặt mua 2 mặt hàng trái vải thiều và gạo ST Xuân Hồng với giá ưu đãi ngay trên ví điện tử MoMo, sau đó sẽ được siêu thị giao hàng tận nơi. Không những vậy, khách hàng còn có thể đóng góp trực tiếp cho những hoạt động hỗ trợ cho người nông dân sau chiến dịch ngay trên giao diện của chương trình. Đại diện Saigon Co.op cho hay, bằng việc tăng cường áp dụng phương thức thanh toán điện tử trên hệ thống siêu thị phân bổ rộng khắp Việt Nam, Saigon Co.op và ví điện tử MoMo đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt, giúp các giao dịch thường nhật của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam được nhanh chóng, an toàn và tiện lợi, cũng như thiết thực giảm tải việc kiểm đếm, bảo quản và vận chuyển tiền mặt.
|
Theo Báo Người Lao Động