In Trang
Chiến dịch "Giờ Trái đất xanh 2015" - nhiều nét mới

Ngày 14/3/2015, tại NVH Thanh niên TPHCM (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1) diễn ra buổi họp công bố và phát động lễ ra quân chiến dịch "Giờ Trái đất xanh 2015". Chương trình do Báo SGGP phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi Trường, Sở Công thương TPHCM, Thành đoàn TPHCM, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) tổ chức. Năm nay, chiến dịch có thêm nhiều hoạt động mới ý nghĩa, dự kiến thu hút đông đảo người dân TP hưởng ứng.


Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lý Việt Trung phát biểu tại buổi họp.

Hành động xanh cho tương lai xanh

Mặc dù sự kiện đạp xe diễn ra vào giữa trưa, nhưng từ mờ sáng 14-3, hàng trăm tình nguyện viên chiến dịch đã tập trung tại NVH Thanh niên TP để tham dự lễ phát động. Mồ hôi nhễ nhại do tất bật chuẩn bị cho công tác hậu cần, nhưng bạn Nguyễn Thanh Ngân, điều phối viên chiến dịch "Giờ Trái đất xanh 2015" vẫn cười thật tươi, nói: "Em rất vui vì được cùng các bạn trong tổ, nhóm của mình tham gia vào một chương trình bảo vệ môi trường đầy thiết thực, ý nghĩa. Em tin rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức hưởng ứng, tham gia vào sự kiện này".


Đông đảo tình nguyện viên tham gia lễ phát động.

Hoạt động trong ngày 14/3 mở đầu cho chuỗi ngày vận động cộng đồng dân cư các quận, huyện trên địa bàn TPHCM kéo dài từ ngày 14 đến 28-3, nhằm hưởng ứng đêm sự kiện chính "Chung tay tắt điện toàn cầu Giờ Trái đất năm 2015" diễn ra từ 4 giờ 40 chiều đến 10 giờ đêm ngày 28-3 tại sân 4A NVH Thanh niên TPHCM. Trọng tâm của chuỗi hoạt động này là vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… tắt đèn đồng loạt một giờ cùng với toàn thế giới (khoảng 8 giờ 30 tối 28-3, theo giờ Việt Nam). Ban tổ chức ước tính sẽ có hơn 5.000 người dân tham gia sự kiện này. Khẩu hiệu năm nay nhấn mạnh về ý thức "Hành động của bạn hôm nay phản chiếu tương lai của Trái đất" và lời kêu gọi "Hãy cùng chúng tôi hành động xanh cho một tương lai xanh". Thông điệp chính của "Giờ Trái đất xanh 2015" là "Thời gian để hành động xanh", với sự góp mặt của hai đại sứ, gồm: vũ công Quang Đăng (tốp 3 cuộc thi "Thử thách cùng bước nhảy" mùa đầu tiên) và ca sĩ Phạm Quỳnh Anh.


Hai đại sứ chiến dịch (bìa trái) cùng các tình nguyện viên tại lễ ra quân đạp xe hưởng ứng "Giờ Trái đất xanh 2015".

Bên cạnh đó, các dự án khác cũng đồng loạt diễn ra như "Mầm xanh Giờ Trái đất" bắt đầu khởi công cải tạo, sửa chữa tại Trường Tiểu học Nguyễn Du (phân hiệu 1, quận 12, TPHCM), dự kiến khánh thành vào ngày 21-3. Trọng điểm dự án "20s cho Giờ Trái đất", kêu gọi tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20 giây, diễn ra đồng loạt vào giờ cao điểm. Thêm nữa, tình nguyện viên của dự án "Năng lượng xanh" sẽ tỏa đi tuyên truyền tại các khu dân cư gần hệ thống siêu thị Co.opMart để vận động tắt đèn, tiết kiệm điện, khuyến khích tham gia các chương trình kích cầu xanh khi mua sắm trong tháng 3.

Ngoài những dự án quen thuộc, năm nay còn có thêm một số dự án mới như "Tôi yêu Việt Nam xanh" (vận động các chuỗi cửa hàng ăn uống, dịch vụ tặng phiếu giảm giá khi khách ký cam kết tắt điện tại quán và nhận diện bằng công nghệ QRCode bên cạnh các kênh truyền thông online quen thuộc); tổ chức hội thi kiến thức môi trường - xã hội "Tôi yêu Việt Nam xanh" theo phiên bản Rung chuông vàng, từ cấp trường lên tới cấp thành phố, với vòng chung kết diễn ra vào ngày 28-3.

Tự nguyện, vì tương lai Trái đất

Trong khuôn khổ buổi họp công bố và phát động lễ ra quân chiến dịch "Giờ Trái đất xanh 2015" ngày 14-3, một số câu hỏi gợi ý của đại diện báo chí, truyền thông được đặt ra cho ban tổ chức. Một phóng viên Báo Tuổi trẻ cho rằng, chiến dịch rất hay, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, nhất là hoạt động "20s cho Giờ Trái đất". Theo phóng viên này, nên chăng, phía ban tổ chức cần khảo sát, căn cứ trên các nghiên cứu khoa học cụ thể để vận động người dân làm theo sẽ thuyết phục hơn. Một câu hỏi khác của phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM: "Ngoài các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch tắt điện một giờ, thì cũng có không ít tòa cao ốc ở trung tâm TPHCM vẫn sáng rực đèn vào những mùa chiến dịch trước. Vậy có cách nào để cuộc vận động được thực hiện triệt để, rốt ráo hơn?".

Đại diện ban tổ chức chiến dịch, bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, khẳng định cuộc vận động hưởng ứng chiến dịch trên tinh thần tự nguyện, do vậy không thể ép buộc các tổ chức, cá nhân… thực hiện. Riêng gợi ý của phóng viên Báo Tuổi trẻ về việc căn cứ trên các luận cứ khoa học để dễ dàng thuyết phục người dân trong việc dừng xe đèn đỏ khoảng 20 giây nên tắt máy, về phía ban tổ chức sẽ tiếp thu, ghi nhận. Tuy vậy, ở góc độ cá nhân, bà Lý Việt Trung nhận định, hiệu quả kinh tế đối với việc tắt máy xe có lẽ không nhiều, nhưng nếu số lượng lớn người dân hưởng ứng thực hiện lời kêu gọi thì chắc chắn sẽ giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ với báo chí về các hoạt động hưởng ứng chiến dịch, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, các cán bộ, đoàn viên, thanh niên… thuộc tổng công ty hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm. Cụ thể, trong ngày 14-3, các đoàn viên, thanh niên Tổng Công ty Điện lực TPHCM ra quân thực hiện công trình thanh niên "40 tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn mỹ quan, tiết kiệm" trên đường Tôn Đản (3 tuyến 331 - 307 - 243 ), phường 15, quận 4, TPHCM. Công trình này chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trước đó, ngày 12-3, đoàn viên, thanh niên tổng công ty cũng đã tổ chức ra quân thực hiện công trình thanh niên "Tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện" trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận, TPHCM).

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Makerting Saigon Co.op thông tin, phía Saigon Co.op cũng đang có hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng xanh đầy thiết thực, ý nghĩa, gửi đến người tiêu dùng trong tháng 3 này. Về phía đại sứ chiến dịch, ca sĩ Phạm Quỳnh Anh, chia sẻ: "Thông qua các hoạt động của mình, tôi hy vọng được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho việc giữ gìn, phát triển môi trường sống của nước ta xanh, sạch hơn; đồng thời góp phần cải thiện tích cực cho môi trường của thế giới nói chung".

Giờ Trái đất là một sự kiện quốc tế hàng năm, do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund - WWF) khởi xướng. Hoạt động khuyến khích các hộ gia đình cùng các cơ sở kinh doanh tắt điện, các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ (từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối) vào ngày thứ bảy tuần cuối tháng 3. Mục đích nhằm làm gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải hành động trước biến đổi khí hậu.

Khởi động từ năm 2007 tại thành phố Sydney, Australia, chiến dịch Giờ Trái đất đã trở thành một hành động có quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ nhiều quốc gia và lãnh thổ trên khắp các châu lục tham gia. Tại Việt Nam, chiến dịch Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Năm 2011, chiến dịch tiết kiệm khoảng 400.000kW điện; năm 2012 là 540.000kW điện.

Theo SGGP Online