In Trang
Mua vải thiều tiêu chuẩn, giá tốt tại Co.opmart

Mùa vải thiều năm nay, 600 tấn vải rầm rộ “đổ bộ” vào hệ thống Co.opmart với nhiều chương trình khuyến mãi xôm tụ để hỗ trợ người nông dân, đồng thời mang vải thiều chính gốc đến người tiêu dùng với giá phải chăng.


Người dân mua trái vải trong siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Chuỗi sản xuất nông nghiệp" là cụm từ được nhiều chuyên gia nhắc tới nhằm mong muốn các nhà sản xuất, nhà phân phối liên kết với nhau chặt chẽ tạo vòng tròn khép kín để nông sản không dư thừa, không miệt mài giải cứu. Saigon Co.op với lợi thế mạng lưới phân phối trải đều, là nhà phân phối đi tiên phong trong việc liên kết nhiều năm nay.

Bao tiêu trọn gói, khép kín

Ngay từ đầu năm, một đoàn công tác của Saigon Co.op đã đích thân chủ động tìm đến những vườn vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) để tìm hiểu về tình hình sản xuất vải thiều. Cũng trong dịp đó, Saigon Co.op chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; lãnh đạo hai tỉnh nói trên lên kế hoạch chi tiết cho việc bao tiêu trái vải thiều.

Bao tiêu trái vải không phải là hoạt động lần đầu được hệ thống bán lẻ này thực hiện, những năm trước với sự kết nối từ Sở Công thương TP.HCM với các tỉnh, Saigon Co.op luôn là đơn vị thực hiện bao tiêu nông sản Việt từ gốc đến ngọn.

Tuy nhiên, việc chủ động, xây dựng kế hoạch chi tiết, lên phương án vận chuyển, tiêu thụ trọn gói, khép kín như năm nay là lần đầu tiên được thực hiện.

Ông Nguyễn Anh Đức, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết vải thiều thu mua trực tiếp từ "thủ phủ" trái vải sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng về các hệ thống phân phối của Saigon Co.op nên khách hàng sẽ được thưởng thức vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà chính gốc với giá cả phải chăng.

"Giá bán là giá thu mua trực tiếp tại vùng nguyên liệu cộng thêm chi phí vận chuyển. Saigon Co.op chủ động giảm lợi nhuận để đảm bảo tối đa quyền lợi cho nông dân", ông Đức chia sẻ.

Theo kế hoạch, trong niên vụ vải năm 2018 kéo dài đến giữa tháng 7, Saigon Co.op cam kết bao tiêu 600 tấn vải thiều được khai thác trực tiếp từ những tổ sản xuất tại Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương).

Đẩy mạnh quảng bá, kết nối

Trong Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, lãnh đạo Sở ban ngành, ông Nguyễn Anh Đức đã làm lễ xuất hành đoàn xe vải thiều vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op ở TP.HCM.

Miệt mài xuyên Việt bất kể đêm ngày, 20 tấn vải thiều chính gốc Lục Ngạn và Thanh Hà đã tiến vào Trung tâm phân phối, mở đầu cho niên vụ vải diễn ra sôi động trên toàn bộ các kênh bán lẻ của Saigon Co.op.

Nét mới của mùa vải năm nay là hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã trao tặng Saigon Co.op những cây vải thiều lâu năm, thể hiện thông điệp gắn kết, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền cũng như cam kết của Saigon Co.op về việc hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Khách hàng có thể đến Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, Co.op Food - Cheers Khánh Hội để "thực mục sở thị" loại cây vốn chỉ có ở miền Bắc này.

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, hệ thống này cũng sẽ là đầu mối để đưa trái vải tươi và các sản phẩm nông sản lên quầy kệ của những siêu thị quốc tế.

Nhà phân phối Saigon Co.op còn đăng ký tham gia nhiều chương trình khác của tỉnh, cũng như đăng ký những hình thức thu mua khác liên quan đến sàn giao dịch, sàn đấu giá như các mô hình nông nghiệp trên thế giới để người nông dân và thị trường nông sản trong nước không còn trăn trở với cụm từ "giải cứu".

Ngay sau sự kiện, chuỗi bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, HTV Co.op sẽ tổ chức nhiều hoạt động giảm giá, khuyến mãi, ăn thử, hoạt náo và quảng bá để đẩy sức tiêu thụ trái vải Lục Ngạn và Thanh Hà.

Được mùa vải thiều

Vụ vải năm 2018, diện tích trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang duy trì gần 29.000 ha. Do thời tiết thuận lợi, sản lượng vải thiều toàn tỉnh vụ năm nay ước đạt từ 150.000 đến 180.000 tấn.

Trong tổng số diện tích trên, diện tích vải thiều sớm của tỉnh là khoảng 6.000 ha, chiếm 20,6% diện tích, sản lượng khoảng trên 30.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 23.000 ha, chiếm 79,4% diện tích, sản lượng khoảng từ 120.000 đến 150.000 tấn.


Người dân mua trái vải trong siêu thị Co.opMart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh là 13.500 ha, ước sản lượng đạt 90.000 tấn; diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218,5 ha.

Trong khi đó, tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 20 cơ sở (vùng) sản xuất vải theo tiêu chuẩn

Viet GAP, tổng diện tích 334 ha, sản lượng 3.500 tấn. Ngoài ra còn có hơn 8.000 ha vải an toàn sản xuất theo hướng Viet GAP, sản lượng khoảng 35.000 tấn.

Vải thiều của Hải Dương cũng đã được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU là 13 vùng, diện tích 132 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu gần 1.000 tấn.

Theo Tuổi Trẻ Online